Theo thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Tình trạng xe quá tải trên các tuyến QL đang rất “nóng”. Bộ GTVT đã chỉ đạo Sở GTVT các địa phương rà soát toàn bộ các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, nếu phát hiện vi phạm sẽ tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô hoặc thu hồi phù hiệu (xe chở container, xe bồn xitec). Bộ cũng yêu cầu Sở GTVT các địa phương tăng cường kiểm soát trên các tuyến đường ngay từ các điểm bốc xếp dỡ hàng như: Nhà ga, cảng, mỏ vật liệu, nhà máy, xí nghiệp, công trình lớn… để xử lý xe quá tải và ngăn chặn việc vận chuyển hàng hóa quá tải né trạm cân.
Nhiều xe quá tải vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp lực lượng chức năng tăng cường xử lý. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN
|
“Xử nghiêm xe quá tải đang trở thành một chiến dịch mạnh tay của Bộ GTVT. Đích thân lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ bố trí lịch trực tiếp mật phục thường xuyên tại các đầu mối công trường, mỏ vật liệu tại 63 tỉnh, thành để chặt vòi bạch tuộc xe quá tải”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện cho biết.
Về việc 6 xe bồn chở quá tải xi măng của Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (Vicem) ngày 24/7, Phó Tổng giám đốc Vicem Bỉm Sơn Nguyễn Văn Châu cam đoan tình trạng vi phạm tải trọng ngay từ trong nhà máy ra sẽ được giải quyết dứt điểm từ đầu tháng 8.
|
Lãnh đạo địa phương buông lỏng quản lý
Liên quan đến việc các xe chở quá tải trên tuyến cao tốc Hà Nội-Lào Cai, đặc biệt là hiện tượng “đầu gấu” thao túng, bảo kê xe quá tải đi vào đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai để “né” trạm cân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu liên Bộ phải điều tra, xử lý nghiêm tình trạng tiêu cực, tham nhũng tại các trạm cân.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để xảy ra hiện tượng này là do sự buông lỏng quản lý vận tải đường bộ của lãnh đạo các địa phương. Do đó, ngoài việc liên Bộ gấp rút xây dựng kế hoạch để lập lại trật tự về vấn đề này, phải có phương án xử lý nghiêm tình trạng “cò” dẫn xe vượt trạm cân. Tới đây, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu buông lỏng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Cục Đăng kiểm Việt Nam đã công bố danh sách 132 xe ô tô xi téc và 1.504 chiếc sơmi rơmoóc xi téc chở xi măng rời, gồm: biển số, tên doanh nghiệp sở hữu trên toàn quốc tại website www.vr.org.vn, để các cơ quan chức năng dễ nhận diện, giám sát và kiểm tra về tải trọng trong quá trình lưu thông trên các tuyến quốc lộ.
|
Ngay trong hai ngày 5 - 6/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45 - Bộ Công an) và Công an huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) sau khi rà soát, khoanh vùng, đã khẩn cấp bắt 8 đối tượng liên quan đến hành vi nhận hối lộ, cò mồi, bảo kê cho xe quá tải lộng hành trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang thi công. Trong số này, ngoài hai đối tượng “đầu gấu” ở Hải Phòng, sáu đối tượng còn lại là bảo vệ công trường đoạn cao tốc qua gói thầu của nhà thầu Keangnam thuộc Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M).
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc VEC O&M Bùi Đình Tuấn cho biết: Các nhân viên của đơn vị này đều thường trú ở Phú Thọ, vừa mới được tuyển dụng và hết hạn thử việc tại Trung tâm Điều hành Nội Bài - Lào Cai, được chuyển về phục vụ công tác vận hành Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo chính sách của VEC (ưu tiên tuyển dụng con em hộ gia đình mất đất do giải phóng mặt bằng làm đường cao tốc).
Ngay sau khi phát hiện những hành vi tiêu cực của các nhân viên bảo vệ này, VEC O&M đã đình chỉ công tác để tiến hành điều tra làm rõ và cắt hợp đồng lao động chính thức. Theo thông tin ban đầu nhận được, trong 8 đối tượng bị bắt có giám đốc một doanh nghiệp đã tổ chức thiết lập đường dây đưa hối lộ để “cò mồi” cho đoàn xe quá tải của công ty né trạm cân đi qua cao tốc Hà Nội - Lào Cai.